Sa sâm – lợi ích, tác dụng trị bệnh, làm đẹp và các bài thuốc cổ truyền từ sa sâm

0
2717
Sa Sâm
Sa Sâm

Sa sâm là vị thuốc từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền với những tác dụng tốt cho sức khỏe như giảm ho, tiêu đờm, dưỡng âm, lợi sữa,… Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng sa sâm còn rất nhiều công dụng khác như làm đẹp, nấu ăn,…

Bài viết này cochrance xin được gửi tới bạn đọc tất tần tật những thông tin về những lợi ích, tác dụng của sa sâm. Mời bạn đọc theo dõi.

Contents

Tổng quan về cây sa sâm

Cây sa sâm là gì?

Sa sâm được biết đến là một cây thuốc quý, một vị thuốc y học cổ truyền. Sa sâm gồm có 2 loại khác nhau nhưng có cùng công dụng là trị một số bệnh như ho khan, lao phổi, viêm phổi mạn,…

Sa sâm có bao nhiêu loại?

Dựa vào đặc điểm phân bố, người ta chia sa sâm làm 2 loại là:

  • Sa sâm Bắc (hay còn được gọi là Liêu sa sâm) có tên khoa học là Glehnia littoralis, thuộc họ Cần (Apiaceae).
  • Sa sâm Nam (hay còn được gọi là cây sâm cát, sa sâm Việt) có tên khoa học là Launaea sarmentosa, thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Sa sâm phân bố ở đâu?

Sa sâm Nam (cây sâm cát)

Sa sâm Nam là loài cây ưa sáng, ưa thích mọc trên nền đất cát, khả năng chịu mặn tốt. Cây mọc thành từng khóm hoặc từng đám nhỏ lẫn với một số cây thân thảo khác như dừa cạn, cỏ chông,… trên các bãi cát ven biển.

Người ta thường bắt gặp cây sa sâm Nam tại các vùng ven biển và trên các hòn đảo lớn như khu vực Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Bến Tre,… Ngoài ra, sa sâm Nam cũng được tìm thấy ở vùng ven biển của Trung Quốc (như đảo Hải Nam), Ấn Độ, phía nam Châu Phi,…

Sa sâm Bắc (Liêu sa sâm)

Sa sâm Bắc thường bắt gặp ở các vùng Đông Á phân bố rải rác ở Trung Quốc và Nhật Bản. Từ đầu những năm 60, sa sâm Bắc du nhập vào Việt Nam và được trồng tại Trại cây thuốc Sapa. Cây đã thuần giống và có ra hoa hết quả.

Tuy nhiên, do chưa chú trọng nghiên cứu canh tác, cây đã có biểu hiện mất giống.

Thành phần hóa học trong cây sa sâm

Thành phần hóa học trong cây sa sâm
Thành phần hóa học trong cây sa sâm

Trong rễ sa sâm Bắc chứa nhiều thành phần tinh dầu, alkaloid – carboline, acid phenolic, acid triterpenic. Trong quả chứa dầu béo, phellopterin, acid. Trong quả tươi chứa imperatorin.

Thành phần chủ yếu trong sa sâm Nam là alkaloid, các acid amin, glycoside, beta – sitosterol, saponin, polysaccharide, steroid và tannin.

Đặc điểm thực vật của cây sa sâm

Đặc điểm thực vật của cây sa sâm Bắc

Sa sâm Bắc
Sa sâm Bắc

Sa sâm Bắc là cây thân thảo, sống nhiều năm. Cây thường cao khoảng 20 đến 30cm. Rễ cọc và nhỏ. Lá kép lông chim mọc so le trên thân. Mỗi lá chét xẻ làm ba thùy có hình bầu dục, đầu lá nhọn, mép lá có khía răng. Cuống lá dài, màu tím và có lông mịn.

Cụm hoa tán kép, không có lá bắc to, lá bắc nhỏ hình mác thuôn. Hoa nhỏ, màu trắng ngà. Quả sa sâm Bắc thuộc loại quả bế đôi, có lông, hạt màu vàng nâu. Cây thường ra hoa kết quả vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6.

Đặc điểm thực vật của cây sa sâm Nam (sa sâm Việt)

Sa sâm Nam là cây thân thảo, sống lâu năm. Cây thường cao khoảng từ 15 – 25cm. Rễ cọc, mọc thẳng đứng màu vàng nhạt. Thân bò, thường có 1 – 2 thân/ một rễ. Lá mọc xếp vòng quanh thân, xẻ lông chim từ 7 đến 8 thùy, các thùy thon lại ở cuống lá. Mép lá có hình răng cưa không đều trông giống với những cây họ Cúc khác.

Cụm hoa đầu, màu vàng, có thể mọc từ đốt hoặc gốc cây. Hoa đơn độc cuống ngắn.

Bộ phận dùng của sa sâm

  • Thường dùng nhất là rễ cây, ngoài ra có thể dùng lá cây để làm thuốc.
  • Ngoài ra, lá sa sâm còn dùng để ăn như các loại rau thông thường.

Cách thu hái và sơ chế sa sâm

Sơ chế sa sâm
Sơ chế sa sâm

Vào khoảng tháng 3 – 4 hoặc tháng 8 – 9 hàng năm, người dân vùng ven biển đào rễ của sa sâm về, rửa sạch bằng nước vo gạo sau đó đồ chín. Để bảo quản được lâu hơn, người dân tiếp tục mang rễ sa sâm đã được đồ chín đem phơi khô.

Có nhiều cách phơi khô, thông thường sẽ phơi khô trực tiếp. Ngoài ra, bạn có thể đem ngâm với phèn chua theo tỷ lệ 2/5 sau đó phơi cho se lại. Tiếp theo, người ta xông với nước cho chín trong khoảng 1h rồi tiếp tục mang đi phơi khô.

Vị thuốc sa sâm

Tính vị

  • Sa sâm Bắc có vị ngọt hơi đắng, tính hơi lạnh.
  • Sa sâm Nam có vị ngọt, hơi đắng, nhạt, tính mát.

Quy kinh

Cả 2 loại sa sâm Bắc và sa sâm Nam đều quy vào phế và vị.

Tác dụng dược lý

  • Theo đông y, sa sâm Bắc có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, bổ vị, long đờm.
  • Sa sâm Nam có tác dụng lợi sữa, thanh phế, giảm ho, tiêu đờm, lợi tiểu, nhuận tràng.

Chủ trị

  • Theo y học cổ truyền, sa sâm Bắc thường được dùng để chữa một số bệnh về ho khan, ho lâu ngày, ho do lao phổi.
  • Sa sâm Nam được dùng để chữa trị ho khan, ho có đờm, họng khô, lưỡi khô, khát. Lá sa sâm tươi có tác dụng lợi sữa, lợi tiểu, nhuận tràng.

Sa sâm có tác dụng gì?

Sa sâm là một thảo dược quý có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Nói chung, sa sâm Nam hay sa sâm Bắc đều có nhiều công dụng giống nhau. Tuy nhiên, sa sâm Bắc ít phổ biến trên đất Việt, tác dụng chủ yếu là làm dược liệu.

Sa sâm Nam đã được nghiên cứu trồng trọt tại Sapa – Việt Nam, loài này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sa sâm Nam không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe mà nó còn có tác dụng làm đẹp hiệu quả. Ngoài ra, sa sâm Nam có thể ăn sống kèm với các loại rau sống thông thường.

Sa sâm Nam (sa sâm Việt) có tác dụng gì với sức khỏe?

Sa sâm Nam
Sa sâm Nam

Rễ sa sâm có thể dùng để chữa trị ho khan, ho có đờm, viêm phế quản, chảy máu chân răng, lở loét, họng khô, lưỡi khô, khát nước nhiều,… Khi dùng kết hợp với các vị thuốc khác, rễ sa sâm còn có những tác dụng khác trong hỗ trợ chữa trị các bệnh như:

  • Khan tiếng, hư nhược, khí ngắn.
  • Viêm phế quản mạn tính, ho có đờm, tức ngực.
  • Ho lao, có đờm.
  • Da vàng, thiếu máu thường gặp ở những người mắc bệnh về gan.
  • Giảm tình trạng mạch nhanh, khó thở.
  • Họng khô, miệng khát, sốt lai rai gặp trong bệnh nhiệt.

Ngoài bộ phận rễ, bộ phận lá sa sâm chứa diệp lục tố cũng có công dụng hiệu quả như:

  • Ổn định đường huyết: Thành phần trong lá sa sâm Nam chứa nhiều hoạt chất với hàm lượng cao như alcaloid, flavonoid, saponin. Vì thế, lá sa sâm là một lựa chọn rất tiềm năng giúp hỗ trợ ổn định đường huyết máu ở các bệnh nhân đái tháo đường.
  • Tăng cường sức đề kháng: Diệp lục tố trong lá sa sâm có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của tủy xương, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tăng sinh các tế bào miễn dịch, tăng cường thể trạng cơ thể.
  • Nhanh chóng phục hồi vết thương: Chất diệp lục của lá sa sâm thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương, làm cho vết thương mau lành. Bên cạnh đó nó còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm ngăn ngừa nhiễm trùng qua các vết thương.
  • Ngăn ngừa bệnh xương khớp: Thành phần diệp lục chứa một lượng magnesi cao nên có tác dụng làm vững chắc hơn hệ xương khớp. Cung cấp dinh dưỡng để xương phát triển dẻo dai, phòng chống một số bệnh về xương khớp.
  • Ngăn ngừa ung thư: Chất diệp lục nói chung và diệp lục tố của sa sâm nói riêng có tác dụng ngăn ngừa, ức chế độc tố gây ung thư như độc tố Aflatoxin, tăng cường miễn dịch, đề kháng cho cơ thể.

Sa sâm Nam (sa sâm Việt) có tác dụng gì đối với làm đẹp?

Không chỉ được dùng làm thuốc hay làm thực phẩm, mà sa sâm còn có công dụng trong làm đẹp đặc biệt là làm đẹp da. Lá của sa sâm Nam được bào chế dưới dạng bột có tác dụng làm đẹp da hiệu quả.

  • Trong lá cây sa sâm Nam chứa thành phần flavonoid hàm lượng cao có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong vòng tuần hoàn. Vì thế, nó đem lại cho bạn một làn da hồng hào, khỏe mạnh, chống lại tác nhân tia UV từ ánh sáng mặt trời.
  • Bột từ lá cây sa sâm còn có tác dụng kích thích tế bào da tăng sản sinh Collagen, tăng độ đàn hồi cho da. Nó đem lại cho bạn làn da mềm mịn, sáng hơn, giảm nếp nhăn và chống lão hóa. Ngoài ra, nó giúp cho da đều màu, hồng hào hơn hơn nhờ ngăn cản sắc tố Melanin (sắc tố gây nám da).
  • Muối vô cơ chiết xuất từ sa sâm Nam cũng có tác dụng làm đẹp hiệu quả như: loại bỏ các tế bào chết, làm săn chắc da, khiến tinh thần thư thái, tốt cho hệ xương khớp và làm săn chắc da.

Cách sử dụng sa sâm

Cách dùng và liều lượng sử dụng rễ sa sâm

Rễ sa sâm thường được dùng ở dạng thuốc sắc uống, bạn cũng có thể dùng dưới dạng viên uống hay cao. Bạn có thể kết hợp cùng một số vị thuốc khác để đạt được hiệu quả điều trị. Mỗi ngày bạn chỉ nên dùng từ 10 – 15g rễ sa sâm.

Cách dùng bột lá sa sâm đắp mặt nạ làm đẹp da

Cách dùng bột lá sa sâm đắp mặt nạ làm đẹp da:
Cách dùng bột lá sa sâm đắp mặt nạ làm đẹp da:

Bạn có thể lấy một lượng bột vừa đủ, pha trộn với lượng nước sạch vừa đủ tạo thành một hỗn hợp sệt. Sau đó, bạn thoa đều hỗn hợp bột vừa pha lên da mặt và mát-xa nhẹ nhàng. Sau khoảng 15 phút, bạn rửa mặt lại với nước sạch.

Nếu sử dụng mặt nạ bột lá sa sâm thường xuyên có thể đem đến cho bạn làn da sáng mịn hồng hào, ngăn ngừa mụn, chống viêm hiệu quả.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu sa sâm

Bài sa sâm mạch đông thang

Một bài sa sâm mạch đông thang có sa sâm 20g kết hợp cùng các vị thuốc sau:

  • Ngọc trúc 12g
  • Tang diệp 12g
  • Thiên hoa phấn 12g
  • Mạch môn 16g
  • Cam thảo 4g
  • Sinh biển đậu 12g

Tác dụng của bài thuốc: Bài thuốc này có tác dụng làm mát phổi, nhuận táo, sinh tân, chữa trị viêm phổi, viêm phổi mạn tính, ho khan, ho có ít đờm, lao phổi,…

Cách thực hiện: Trước tiên, bạn nên rửa sạch các vị thuốc bằng nước sạch sau đó đem sắc thuốc.

Cách dùng: Với mỗi thang thuốc sắc, bạn có thể chia đều thành nhiều lần uống trong ngày.

Bài thuốc trị vàng da và thiếu máu

Một bài thuốc trị vàng da, thiếu máu gồm có sa sâm 12g kết hợp với các vị thuốc như:

  • Bột nghệ vàng 12g
  • Hồi hương 4g
  • Quế nhục 4g

Tác dụng của bài thuốc: Có tác dụng bồi bổ cho gan, tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan như vàng da, thiếu máu,…

Cách thực hiện: Trước tiên đem các vị thuốc rửa sạch sau đó sắc uống.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng 1 thang có thể uống làm nhiều lần trong ngày.

Bài ích vị thang

Một bài ích vị khang gồm có sa sâm 12g kết hợp cùng một số vị thuốc sau:

  • Mạch môn 16g
  • Thiên hoa phấn 12g
  • Ngọc trúc 8g
  • Tang diệp 12g
  • Cam thảo 4g

Tác dụng của bài thuốc: dưỡng âm, hỗ trợ điều trị khô họng, khô lưỡi, hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bài thuốc này còn có tác dụng làm tăng tính thèm ăn ở trẻ mắc chứng chán ăn.

Cách thực hiện: Bạn có thể sắc thuốc kết hợp với một ít đường phèn.

Cách dùng: có thể dùng 1 thang trên ngày, chia làm nhiều lần uống.

Bài thuốc trị mất tiếng và chứng hư nhược khí ngắn

Bài thuốc trị mất tiếng, chứng hư nhược khí ngắn do phổi yếu bao gồm sa sâm 20g kết hợp cùng các vị sau:

  • Sinh địa 20g
  • Tri mẫu 12g
  • Ngưu bàng tử 12g
  • Huyền sâm 12g
  • Xuyên bối mẫu 6g
  • Hoàng kỳ 4g

Tác dụng của bài thuốc: hỗ trợ tăng chức năng phổi ở những người phổi yếu, nói không ra tiếng, mắc chứng hư nhược khí ngắn,…

Cách thực hiện: Rửa sạch các vị trên và sắc nước uống.

Cách dùng: chia nhiều lần uống trong ngày.

Bài thuốc trị tức ngực, ho có đờm và viêm phổi

Bài thuốc trị tức ngực, ho có đờm bao gồm sa sâm 16g kết hợp với các vị sau:

  • Sinh địa 20g
  • Mạch đông 12g
  • Ngọc trúc 12g

Tác dụng: hỗ trợ làm giảm các triệu chứng do viêm phổi như ho có đờm, tức ngực,…

Cách thực hiện: đem sắc uống.

Liều lượng: mỗi ngày một thang, chia làm nhiều lần uống.

Bài trị tiêu chỉ khát thang

Bài trị tiêu chỉ khát thang gồm sa sâm 16g kết hợp với những vị thuốc sau:

  • Mạch môn 15g
  • Trạch tả 12g
  • Thạch hộc 20g
  • Tri mẫu 20g
  • Thiên hoa phấn 20g
  • Sơn dược 30g
  • Sinh địa 30g
  • Ngũ vị tử 6g

Tác dụng bài thuốc: Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải khát hiệu quả, hỗ trợ chữa trị tiểu đường.

Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

Liều lượng: tùy theo mức độ bệnh mà có thể giảm liều, giảm vị sao cho phù hợp.

Bài khải cách tán

Bài khải cách tán gồm có sa sâm 15g kết hợp cùng các vị sau:

  • Đan sâm 15g
  • Cuống lá sen 3 cái
  • Uất kim 5g
  • Bạch linh 5g
  • Xuyên bối mẫu 10g
  • Cám đầu chày 12g

Tác dụng của bài thuốc: tác dụng nhuận táo, giải uất, trị nghẹn, đau nhức, nôn mửa, đầy hơi, ợ chua,…

Cách dùng: sắc lấy nước uống

Liều lượng: ngày 1 thang chia làm nhiều lần uống.

Bài sa sâm đồn nhục cho sản phụ ít sữa

Bài sa sâm đồn nhục gồm có sa sâm Bắc 12g kết hợp cùng 1 số nguyên liệu sau:

  • Thịt nạc 500g
  • Sơn dược 15g
  • Bách hợp 15g
  • Ngọc trúc 15g

Tác dụng bài thuốc: bổ cho sản phụ, đặc biệt là sản phụ ít sữa.

Cách chế biến: Thịt lợn rửa sạch sau đó đem hầm cùng các vị thuốc trên đến khi thịt mềm, nhừ thì có thể sử dụng được.

Cách dùng: dùng thịt kết hợp với uống nước hầm thịt để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Bài thuốc chữa đau nhức răng

Bài thuốc trị đau nhức răng gồm có sa sâm 60g kết hợp cùng 3 quả trứng gà.

Bài thuốc này có tác dụng làm giảm đau nhức răng hiệu quả.

Cách chế biến: Nấu canh sa sâm với trứng gà, sử dụng cho tới khi hết đau nhức.

Bài sâm kỷ minh mục thang

Bài sâm kỷ minh mục thang gồm có sa sâm 15g kết hợp cùng với các nguyên liệu sau:

  • Ngưu tất 9g
  • Câu kỷ tử 15g
  • Quyết minh tử 9g
  • Mật ong vừa đủ

Tác dụng bài thuốc: Có tác dụng làm sáng mắt, tăng cường khả năng nhìn, hỗ trợ làm giảm đau lưng, cao huyết áp, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm,…

Cách chế biến: trước tiên bạn có thể sắc các vị sa sâm, ngưu tất, câu kỳ tử, quyết minh tử lấy nước sau đó trộn mật ong vào uống cùng.

Liều lượng: Chỉ uống trong ngày và dùng liên tục.

Đối tượng không nên dùng sa sâm

Đối tượng không nên dùng sa sâm
Đối tượng không nên dùng sa sâm

 

  • Không dùng cho người mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong sa sâm.
  • Không dùng cho người mắc hội chứng hư hàn.
  • Không nên dùng cho người mắc bệnh ho do hàn.

Lưu ý khi sử dụng sa sâm

Khi sử dụng sa sâm với bất kỳ mục đích nào bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân mắc hư hàn, ho do hàn.
  • Sa sâm có thể tương tác với lê lô nên khuyến cáo không nên dùng chung.
  • Sa sâm có thể gây đau nhức gan khi dùng cho các bệnh nhân nhiễm virus HCV.
  • Có nhiều loại sa sâm, bạn nên tìm hiểu đúng loại đúng nguồn gốc phù hợp với mục đích sử dụng.

Dùng sa sâm có tốt không?

Dùng sa sâm có tốt không?
Dùng sa sâm có tốt không?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về sa sâm. Sa sâm là một loài thảo dược tương đối mới mẻ và những nghiên cứu về loại thảo dược này chưa thực sự đầy đủ.

Gần đây, việc trồng trọt quản lý sa sâm cũng đã được quy định kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo thành phần hoạt chất trong cây thuốc.

Trước khi dùng vị thuốc này, tốt nhất bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để tránh những tác dụng không mong muốn xảy ra.

Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi. Hy vọng những thông tin trên đây bổ ích với bạn!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây